HỌC CÁCH DỤNG NHÂN VỚI "NGƯỜI ĐÀN BÀ THÉP" CHÂU DOANH



Châu Doanh là một người phụ nữ bản lĩnh, xuất thân mải võ giang hồ, hoàn cảnh đưa đẩy về làm dâu nhà Ngô gia quyền quý, có truyền thống thương lái, giàu có và gia thế ở Trung Hoa vào cuối đời nhà Thanh. Bằng tài trí và mưu lược hiếm có ở nữ nhi, Tôn Lệ đã mang đến một hình ảnh Châu Doanh đầy trượng nghĩa, hào sảng, thông minh và trí tuệ. Từng bước trở thành một trong những người phụ nữ có ảnh hưởng và giàu có nhất tại TQ thời bấy giờ. 

Ở Châu Doanh, ta có thể học hỏi được nhiều bài học về cách dụng nhân, cách thương thảo, hay cách đối nhân xử thế từ góc nhìn của một "nữ tướng". 

Ở bài viết này, mình xin bàn về cách dụng nhân của một nữ thương lái. 

1. HÃY ĐỐI ĐÃI VỚI CẤP DƯỚI BẰNG SỰ CHÂN THÀNH

Tại Ngô gia, Châu Doanh được xếp ở Ngô Gia Đông Viện, học những bài học về làm ăn và đạo đức kinh doanh, trong đó nổi bật nhất là bài học về hai chữ “Thành” và “Tín” của Ngô Úy Văn và Ngô Sính dạy, bài học đã làm kim chỉ nam cho suốt cuộc đời thương nghiệp của nàng. Ở đây "Thành" chính là sự chân thành, thành tâm trong đối đãi, kể cả với gia nhân hay đối tác làm ăn. 

Có câu nói "muốn được người khác đối xử với mình như thế nào, thì hãy đối xử với họ chính như thế ấy". Dĩ nhiên, tôi cũng đã rất nhiều lần phân vân và tự chất vấn mình về khái niệm này trong đối nhân xử thế. Vì cứ không phải lúc nào mình đối xử chân thành với người khác, thì cũng nhận lại được như vậy. Tuy nhiên là, điều đó thực ra chẳng quan trọng, vì gieo nhân nào sẽ gặt quả ấy, làm người cũng đừng quá tính toán được mất. Đặc biệt, nếu bạn đang là một cấp trên quyền quý, quản lý vài mươi nhân viên hay có cả vạn nhân sự trong tay thì việc đi theo tiên chỉ này chưa bao giờ là thiếu cần thiết. Châu Doanh đã thực tâm thực dạ đối xử chân thành với cấp dưới, và với cả gia đình của họ. Đây chính là sự quan tâm sâu sát nhất mà một người sếp nên làm được. Con người bình sinh sẽ xem những kết quả mình nhận được là hiển nhiên, đặc biệt với những ưu đãi được nhận sau quá trình nỗ lực và phấn đấu không ngừng nghỉ của bản thân. Tuy nhiên, để họ thực sự tâm phục khẩu phục thì thu phục tấm chân tình của những người ruột thịt của họ mới chính là chìa khóa dẫn lối đến sự trung thành của họ. Cô góa phụ nhà Ngô gia đã xuất sắc thấu hiếu được góc khuất này của con người, và vận dụng hết sức triệt để. Dĩ nhiên, để phát huy được tác dụng phải kèm theo cả tấm chân tình thực tâm từ bên trong. Có như vậy, hàng vạn chủ tiệm dưới kia, cho dù lớn tuổi hơn, kinh nghiệm hơn nhưng cũng hết sức tâm phục khẩu phục cô chủ bản lĩnh. 

2. TUYỆT ĐỐI KHÔNG ĂN TRƯA MỘT MÌNH 

Đây là quy tắc bất di bất dịch đối với một người cấp tầm quản lý. Bạn không thể dựng nên cơ nghiệp nếu chỉ có một mình. Dù bản thân bạn có tài trí đến đâu, có thông minh kiệt xuất đến nhường nào đi chăng nữa thì để phát triển, bạn cần đội nhóm, cần đồng đội, cần sự hỗ trợ từ lực lượng đồng minh, cần sự trung thành và hết lòng hết dạ nguyện ý phò tá. Để được như vậy, bạn phải hào sảng đúng lúc, phải chia sẻ và không quá toan tính. Thiếu phụ họ Ngô đã khẳng khái làm được điều này. Cô kiếm được 10 đồng và sẵn sàng tặng lại cấp dưới 5 đồng. Hơn thế nữa, cô còn âm thầm làm công đức dưới danh nghĩa của chính họ. Đây chẳng phải chính là yếu tố "được tôn trọng", tầng thứ 4 trong tháp nhu cầu của Maslow là gì? 

Thang bậc nhu cầu của Maslow | Chiến lược sống

3. KHIÊM NHƯỜNG 

Thực ra, theo cá nhân tôi, sở dĩ cách "trị nhân" của nàng Châu được thành công như vậy, phần lớn nhờ vào sự khiên nhường trong hành xử của nàng. 
Nàng không hề đao to búa lớn, không hề thể hiện hô mưa gọi gió, thậm chí còn suýt nữa bị hiểu lầm là người không biết hành xử, chỉ âm thầm kiên trì làm những điều bản thân cho là phải đạo, để đến lúc vỡ lẽ ra, hành động đó của nàng còn trở nên trân quý gấp bội phần. 

Ngày trước, lúc tôi còn đi làm tại một công ty nhỏ, chính vì chưa hiểu chuyện lại vẫn còn tính khí trẻ con của một đứa trẻ to xác, nhiều lúc, sự thể hiện bản thân vô tự lại vô tình biến chuyện không thành có, biến yêu thương trở thành thù hận. Sau này, cùng với độ lớn về tuổi tác, cùng sự trầm lặng được tu dưỡng, tôi bắt đầu học được cách đối đãi trong nhân sinh hơn. Tôi nhận ra, sự khiêm nhường đúng lúc sẽ là nhân tố quyết định đến độ mỹ mãn của công việc. 

Bạn càng hô mưa gọi gió, càng cố tình thể hiện bản thân sẽ chỉ càng gây nên sự bất hợp tác trong lòng người khác. Con người, bản chất chính là "bài xích". Vì vậy, chỉ khi có thành quả, năng lực của bạn sẽ tự nhiên được thừa nhận, trong sự tâm phục khẩu phục của mọi người.

Lời kết

Trị nhân - chính là bài học suốt đời. Mỗi người có một nhân sinh quan khác nhau nên sẽ sinh ra những quan điểm sống khác nhau về đối nhân xử thế. Thực ra không thế nói cách làm nào đúng, cách làm nào sai, điều quan trọng là ta học được gì từ những người ta gặp, những gì ta thấy, rồi mang về áp dụng cho chính mình sao cho phù hợp và nhất quán với văn hóa doanh nghiệp mới là điều nên làm. 

Lâm Tiểu Giao 


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tốt nghiệp và Mùa Rơi

[TÔI 18] MỐI TÌNH ĐẦU

[TÔI 18] TỐT NGHIỆP