[TÔI 18] For my teachers

Tháng 11 rồi đấy.
Tháng nhiều hoài niệm và lắm ước mơ…
Bất chợt lòng chùng xuống cho những xuyến xao phút ban đầu.
Có đôi khi muốn bản thân có nhiều lắm một thói quen để những khi như thế này, lại  có một việc gì đó để làm, để gặm nhấm những suy nghĩ trong lòng…
Chẳng có thói quen uống cà phê những bận sáng sớm, ngồi ngắm đất trời và thưởng thức vị đời.
Ấy thế mà vẫn thật lạ lùng…ta nhìn mọi thứ sao mà thật khác quá!
Một cách chầm chậm,  nhìn thời gian lướt ngang trong từng hơi thở, nhẹ nhàng trôi qua từng cái khẽ chớp mắt…
Ôi sao mà buồn!

Có những tháng 11 làm con người ta bất chợt nhận ra cái  quí giá của thời gian, của tuổi trẻ, của lòng người và của những kí ức…
Anh bạn tôi bảo : “kỉ niệm được gọi là đẹp không phải vì nó vui hay buồn…mà vì, nó là duy nhất và không bao giờ trở lại…”
Có những tháng 11 đã trôi qua và mãi mãi không bao giờ trở lại…như chuyến tàu thời gian đã mất đi bánh thắng, chẳng thể nào dừng lại hay quay đầu, vì “đường rây” là duy nhất, vì là chỉ có một chiều cho một cuộc hành trình,  cứ như thế lao vun vút về phía trước, lướt qua mọi thứ mặc người ta đang cố gắng từng chút từng chút một níu  kéo hay trì hoãn…

Tháng 11 năm ấy, biết bao niềm vui và kỉ niệm.
Tháng 11 năm ấy, chúng ta cũng đi theo những chuyến xe, từng vòng xe chầm chậm lăn trên con đường nhiều khói bụi và nắng cháy, bạn cười vang và ta cũng cười rạng rỡ…
Ta nhớ cái khoảnh khắc bạn ngượng ngùng ngồi sau lưng “ai đó”, rồi mím chặt môi nhưng vẫn không dám ‘bíu” vào tấm lưng  rộng trước mặt khi gặp phải chặng đường dốc…
Ta nhớ cái thời tiết khô đến còm cõi người, nắng cháy trên từng chặng đường đi qua, thế nhưng chiếc xe đạp của bạn vẫn nổi bật nhất, mát rượi và thực dễ thương, nó khiến ta ganh tỵ nhưng cũng thấy ấm lòng, là “màu xanh của tàu lá chuối” ven đường đã che đi cái nắng nóng của một trưa tháng 11… đẹp lạ lùng và cũng thật mến yêu…
Có nhiều khi người ta nhắc tới kỉ niệm nhưng lại quá hững hờ.
 Hững hờ là bởi ta cố tình phớt lờ đi một số kí ức đẹp đẽ nhưng cũng có phải chăng vì quá đẹp, quá quí trọng nên ta lại thấy điều đó là hiển nhiên và quá đỗi bình thường. Cái suy nghĩ ấy, ta đã hơn một lần trải qua…
Chợt nhận ra bản thân thật tệ và… sao mà “thiên vị” quá!
Hôm qua trên đường đi học về, ta bắt gặp người ta treo tấm áp phích “mừng ngày Hiến Chương nhà giáo Việt Nam”, à ta mới chợt nhận ra, ta hay nghĩ về quá khứ nhưng… có những quá khứ gắn bó với ta nhiều như thế mà ta lại vô tình lướt qua… Ta vô tâm đến thế kia sao?
Tháng 11 là tháng của cô thầy…
Đến một đứa con nít mới ngọ ngọe học hát cũng còn biết và háo hức, vậy mà chỉ mới hai năm trôi qua,ta lại dường như quên mất cái ngày trọng đại đó…
Có những tình cảm chỉ có thể diễn tả trên những trang văn hay vần thơ mà chẳng thể nào nói thành lời được.
Hôm nay ta sẽ dành những dòng này cho những người “lái đó thầm lặng” trong cuộc đời này…

Gửi cô thầy của con,
Thế là con sắp bước vào cái tuổi 20, cái tuổi thật đẹp cô thầy nhỉ, ngày xưa cô thầy chẳng suốt ngày nói với con về cái “tầm quan trọng vĩ mô” của nó là gì, và giờ thì con đã thuộc nằm lòng rồi, con cảm ơn cô thầy lắm lắm.
20 năm một chặng đường, thầy cô cho phép con nói thế nhé, một chặng đường con đã đi qua, con chợt băn khoăn, không biết rằng, cái chặng đường mà cô thầy đi qua đến giờ đã mấy phần cuộc đời rồi nhỉ, chắc là…nhiều lắm phải không, thưa thầy, thưa cô!
Con vẫn còn nhớ như in từng gương mặt thầy cô, những người đã đi qua, giúp con lớn lên và có những suy nghĩ trưởng thành hơn theo năm tháng.
Con nhớ cô Quỳnh tóc dài ơi là dài, cứ mỗi giờ ra chơi là ôm con mãi vào lòng khi con còn học mẫu giáo… con không hiểu hai từ mẫu giáo có nghĩa là như thế nào, nhưng con cũng không cần tra từ điển nữa, với con “mẫu” tức là mẹ, thủa đầu tiên biết đến lớp trường, cô thầy đã như ba như mẹ của chúng con rồi, cô ơi, cho phép con được xem cô là mẹ, cô nhé!
Con nhớ những thầy cô đã dạy con những ngày tiểu học, cô Nở lớp 1, cô Phúc lớp 2, cô Nga lớp 3, cô Sơn lớp 4, thầy Thanh lớp 5 nữa, à và cả cô Hậu dạy anh văn, cô Lân tuần nào cũng qua kiểm tra kĩ năng đội của lớp con, rồi là thầy Sơn dạy nhạc, dạy vẽ nữa, thêm nữa là thầy Dũng dạy thể dục, thầy rất nghiêm nhưng cái “nghiêm khắc” của thầy lúc nào cũng làm chúng con cười nghiên ngả. Tụi học trò chúng con ngày ấy, đứa nào cũng nghịch, cũng ham chơi hơn ham học, suốt ngày quậy phá nhau, cười đùa chí chóe, rồi thì giận hờn nhau nữa, tụi trò nhỏ cứ như một bầy “yêu tinh”, động một tí là “chút nữa méc cô cho coi”, “coi chừng đó, cuối tuần tui thưa thầy”… Bọn con nghịch quá thầy cô nhỉ, chắc thầy cô phải phiền não vì chúng con lắm lắm… Nói vậy thôi nhưng con tin chắc rằng cô thầy lúc nào cũng thương yêu chúng con, lo lắng và luôn muốn chúng con ngày một tốt hơn, thưa thầy thưa cô, con nói thế không biết có đúng hay không?
Rồi con rời xa mái trường thương yêu của một thời con nít, bắt đầu bước từng bước một vào “ngưỡng cửa trưởng thành” với biết bao bỡ ngỡ, lớn rồi mọi thứ thật khác, trường sao mà nhiều phòng học thế, một khối thôi sao mà nhiều lớp thế, mà lớp nào cũng giống nhau, con đi vào mà cứ như đang lạc giữa mê cung rộng lớn… học lớp lớn rồi, bạn bè cũng nhiều hơn, thầy cô cũng nhiều hơn, con tập làm quen dần với việc nhớ tên từng cô thầy gắn với từng môn học khác nhau… này nhé, con nhớ cô Vân sử, cô Vân văn, thầy Thuận toán, rồi là thầy Hùng sinh, thầy Hùng lý, cô Vân hóa, cô Thu tin, cô Cúc văn, thầy Khương toán, thầy Sinh hóa… thầy cô nào với con cũng thật đặc biệt và quan trọng…
Mỗi một chặng đường đi qua, ngày một lớn dần những kỉ niệm trong con về trường lớp, bè bạn và cả tình thầy trò nữa.
Thời gian làm con người ta thay đổi, lớn lên rồi “già nua”  theo năm tháng.
Hè vừa rồi, tụi con có đến thăm cô, mới đó mà cô trông già đi nhiều quá, tóc đã pha sương và bạc đi nhiều rồi. Nhìn cô lúc này với hình ảnh cô 5 năm về trước sao mà khác xa quá, vết thời gian in hằn trên từng nếp nhăn, hiện rõ mồn một ở màu trắng lấp ló trong mớ tóc dày kia…  
Con chợt nhớ đến câu hát đã bao lần vang lên … “khi thầy tóc bạc, bụi phấn rơi rơi, có hạt bụi nào rơi trên bục giảng, có hạt bụi nào, rơi trên tóc thầy…” Hôm nay chẳng có hạt bụi nào mà sao tóc cô thầy đã pha sương?
Thầy cô đã già rồi!
Nhiều đứa trong chúng con thầy cô chẳng nhận ra, tên chúng con có khi cô còn chẳng nhớ, nhưng cô thầy ơi, chúng con làm sao dám trách hay buồn phiền vì điều đó, chừng tuổi này rồi, với biết bao nhiêu thế hệ học trò đã đi qua, trách làm sao cho cô thầy nhớ hết cả.
Có biết bao nhiêu kí ức mà chúng con mãi khắc sâu nhưng chẳng bao giờ nói nên thành lời.
Con sẽ không ví thầy cô là thánh nhân hay điều gì đó vĩ đại như lẽ thường vẫn thế.
Với con, cô thầy vẫn như những con người bình thường, nhưng với một trái tim rộng lớn và bao la đến vô cùng, như là cha là mẹ của chúng con, công ơn ấy, những lắng lo ngày xưa ấy, cho dù thế nào, làm sao chúng con có thể quên?

Đến một lúc nào đó trong cuộc đời này, bạn sẽ thấy quí vô cùng những tháng ngày còn là học trò, vẫn còn cơ hội ngồi trong bốn bức tường bức bối và lắng nghe tiếng giảng bài thân thuộc, tận tụy và đầy niềm say mê của cô, của thầy. Bạn sẽ hối tiếc vì ngày hôm  ấy mình quá vô tư nên thành ra xem nhẹ mất đi những điều thân thuộc, nhỏ nhoi nhưng khi đã trôi xa rồi thì chẳng bao giờ có thể níu kéo được.

Cô thầy ơi,
Sau ngày cuối cùng của năm học cuối cấp, con quay lại trường cùng một vài người bạn vào một buổi sáng trời nắng trong. Cả sân trường vắng lặng và im ắng đến lạ lùng, bác bảo vệ già thấy “người quen” nên cũng không tra hỏi gì, và thế là chúng con được… miễn vé vào cổng”.
Chúng con đi chầm chậm qua từng cây bàng, thẫn thờ nơi ghế đá rải rác màu hoa tím bằng lăng,thưởng thức cơn mưa lá buồn đến nao lòng, thả trôi người với những cảm xúc miên man nơi hành lang lớp học, những bậc cầu thang này chỉ mới vài ngày trước đây thôi, con còn cố sức mình chạy lên cho thật nhanh ấy thế mà giờ đây, chúng con bước từng bước một, nhẹ nhàng và cẩn trọng, giống như sợ rằng chỉ với một tiếng động nhỏ thôi, phút giây này sẽ tan ra thành vô vàn mảnh nhỏ, vụn vỡ và không bao giờ có thể ghép nối lại được.
Thả bộ dọc theo lối hành lang quen thuộc, đi qua những cánh cửa “nhà hàng xóm” thân thương, chúng con tìm về với “ngôi nhà chung” ngày xưa, ở cuối dãy hành lang ấy, là đây, căn phòng nhỏ bé chỉ mới đây thôi còn rộn vang giọng nói tiếng cười, vậy mà bây giờ im ắng quá, cái im lặng làm con phát khóc, cái im lặng như từng vết cứa cứa sâu vào tim con, đã không còn nữa rồi.
Tất cả đã trở thành:  Kí ức!
Chúng con mỗi đứa chẳng nói với nhau câu nào, mở cửa phòng và đi tìm chỗ ngồi thân thuộc của mình. Đây là chỗ của con, ngay bàn đầu tiên và trước mặt con là bàn của thầy cô, ngày xưa, giờ học nào con cũng “láu táu” nhất, ngồi ngay bàn đầu mà chẳng sợ sệt gì, cứ mắc cái tật nói “leo” nhưng lại lười “giơ tay phát biểu”, ngày đó, con đã bị cô thầy rầy la biết bao nhiêu … làm sao con có thể nào quên được.
Ngồi vào chỗ của mình mà sao hôm nay trở nên xa lạ quá, chỉ mới hôm qua nhưng sao giờ lại như đang chối từ con, rõ ràng đây là chỗ của con, cái bàn này, con đã ghi biết bao điều bí mật, cái tên một người mà đôi khi đang học nó bất chợt hiện lên trong trí óc con, rồi những hình vẽ nguệch ngoạc con vẽ dành tặng cho cô bạn ngồi kế bên, còn có cả những lời “khó nói” của cậu học trò nhút nhát năm xưa nữa… Rõ ràng là như thế, rõ ràng chúng là của con, hay chí ít đã-từng-là-của-con, nhưng ngay lúc này đây, nó đã không còn là của con nữa rồi.

Những kí ức của một thời hoa lửa.Như vẫn còn đây dòng lưu bút xưa.Hạnh phúc ngỡ ngàng giờ đã không còn nữa. tháng ngày mộng tưởng thôi nhé đành…ngày xưa!
Con cảm ơn cô thầy, người đã đưa con đến với lớp với trường, cho con biết được bao điều và có những kí ức quí giá vô cùng.
Bao nhiêu lời cảm ơn cho đủ.
Tỏ lòng tri ân như thế nào cho vừa.
Những ngôn từ nào có thể nói hết được
Lòng biết ơn này xin gửi đến thầy cô!

Một mùa tri ân nữa lại đến với những cảm xúc xưa ùa về.
Có những ngọn đuốc mãi mãi được tiếp nối bởi lòng người và niềm tin bất biến của những con người đầy lòng thương yêu.

Chúng con kính chúc cô thầy sức khỏe và vững vàng một niềm tin bền bỉ với từng thế hệ học trò.

Học trò cũ.

Tiểu Giao

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

CHUYỆN YÊU 3

[TÔI 18] TỐT NGHIỆP

Letter to my big big love :)